Lịch sử Môi trường quyết định luận

Thời cổ điển và trung cổ

Các lý thuyết ban đầu của trường phái này ở Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại cho rằng các đặc điểm môi trường hoàn toàn xác định các phẩm chất về thể chất và trí tuệ của toàn xã hội. Quản Trọng (720–645 TCN) cho rằng tính chất của những con sông lớn góp phần hình thành nên tính cách của các dân tộc xung quanh. Những dòng sông ngoằn ngoèo và chảy xiết khiến con người trở nên "tham lam, thô bạo và hiếu chiến".[4] Triết gia Hy Lạp cổ đại Hippocrates cũng có quan niệm tương tự về vấn đề này trong cuốn "Về Không khí, Nước, Địa điểm" của ông.[5]

Nhiều học giả Trung Đông thời trung cổ cũng đưa ra các lý thuyết tất định của môi trường. Nhà văn người Phi-Ả Rập al-Jahiz lập luận rằng màu da của người và gia súc được quyết định bởi nước, đất và nhiệt của môi trường sống. Ông so sánh màu của đá bazan đen ở phía bắc Najd với màu da của các dân tộc sống ở đó để dẫn chứng cho thuyết của mình.[6]

Ibn Khaldun, nhà xã hội học và bác học người Ả Rập, cũng nhận thấy có sự tương tự giữa màu da với các yếu tố môi trường. Trong tác phẩm Muqaddimah (1377), ông cho rằng da đen là do khí hậu nóng của châu Phi cận Sahara chứ không phải do dòng dõi châu Phi. Do đó, ông đã thách thức thuyết Hamitic về chủng tộc cho rằng các con trai của Ham (con trai của Noah) bị nguyền rủa với làn da đen.[7] Nhiều tác phẩm của Ibn Khaldun đã được dịch trong thời kỳ thực dân để thúc đẩy bộ máy tuyên truyền của họ chống lại người bản địa.[8]

Ibn Khaldun tin rằng môi trường lý sinh ảnh hưởng đến các yếu tố phi vật lý ngoài màu da. Ông cho rằng thổ nhưỡng, khí hậu và thức ăn quyết định một nhóm người là du mục hay định canh, và có phong tục tập quán như thế nào. Các tác phẩm của ông có thể đã ảnh hưởng đến các tác phẩm sau này của Montesquieu trong thế kỷ XVIII thông qua Jean Chardin, người đã rong ruổi đến Ba Tư và mô tả các học thuyết tương tự như thuyết của Ibn Khaldun.[9]

Thời kỳ thực dân phương Tây

Môi trường quyết định luận thường bị chỉ trích là một công cụ để hợp pháp hóa chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộcchủ nghĩa đế quốcchâu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹchâu Á.[2] Học thuyết này cho phép các nhà địa lý biện minh về quyền thượng đẳng của các chủng tộc châu Âu da trắng và bản chất hiển nhiên của chủ nghĩa đế quốc.[10] Học thuyết củng cố những biện minh tôn giáo và trong một số trường hợp đã thay thế chúng vào cuối thế kỷ XIX.[11]

Nhiều nhà văn, trong đó có Thomas Jefferson, ủng hộ và hợp pháp hóa quá trình thuộc địa hóa châu Phi do khí hậu nhiệt đới khiến người dân kém văn minh. Jefferson cho rằng khí hậu nhiệt đới khuyến khích sự lười biếng, thái độ thong thả, lăng nhăng và các xã hội đó nói chung là thoái hóa, trong khi sự thay đổi thường xuyên của thời tiết ở vĩ độ trung bình và phía bắc khiến cho đạo đức công việc và xã hội văn minh mạnh mẽ hơn.[12] Adolf Hitler cũng sử dụng học thuyết này để nâng cao vị thế tối cao của chủng tộc Bắc Âu.[13]

Những khiếm khuyết về phẩm chất do khí hậu nhiệt đới tạo ra được cho có thể di truyền cho con cái theo thuyết Lamarck về sự kế thừa các đặc điểm có được, một tiền thân của thuyết tiến hóa theo con đường chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin.[11] Lamarck quan sát rằng một sinh vật khi chịu áp lực từ môi trường có thể trải qua những thay đổi sinh lý trong suốt quãng đời của nó thông qua quá trình thích nghi môi trường (acclimatization). Thuyết Lamarck cho rằng những thay đổi sinh lý đó có thể được truyền trực tiếp cho con cái, mà không cần con cái phải chịu áp lực tương tự.[14]

Các hội đồng địa lý như Hiệp hội Địa lý Hoàng giaSociété de géographie ủng hộ chủ nghĩa đế quốc bằng cách tài trợ cho các nhà thám hiểm và những người ủng hộ thuộc địa khác.[15] Các xã hội thích nghi đã hỗ trợ trực tiếp cho các xí nghiệp thuộc địa và hưởng lợi từ chúng. Các bài viết của Lamarck đã cung cấp nền tảng lý thuyết cho các học thuyết về thích nghi môi trường. Société Zoologique d'Acclimatation phần lớn được thành lập bởi Isidore Geoffroy Saint-Hilaire — con trai của Étienne Geoffroy Saint-Hilaire, một đồng nghiệp thân thiết và là người ủng hộ Lamarck.[16]

Ellen Churchill Semple, một học giả có tiếng ủng hộ thuyết này, đã áp dụng lý thuyết của mình trong một nghiên cứu điển hình tập trung vào Philippines, nơi bà lập bản đồ các tộc người văn minh và hoang dã dựa trên địa hình của các hòn đảo.[10] Các học giả khác cho rằng khí hậu và địa hình đã khiến những đặc điểm tính cách cụ thể xuất hiện trong một quần thể nhất định. Các học giả do đó đã áp đặt các định kiến ​​về chủng tộc lên toàn bộ xã hội.[10] Các đế quốc hợp lý hóa việc bóc lột sức lao động bằng cách tuyên bố rằng các dân tộc nhiệt đới thấp kém hơn.[17]

Tân môi trường quyết định luận

Thuyết tất định của môi trường được hồi sinh vào cuối thế kỷ XX với tên gọi neo-environmental determinism. Thuật ngữ mới do nhà phê bình và nhà khoa học xã hội Andrew Sluyter đặt ra.[3] Sluyter cho rằng thuyết tất định môi trường mới không đủ để bứt phá các tiền thân của nó.[3]

Thuyết mới này xem xét cách thức mà môi trường vật chất tác động đến các xã hội và các quốc gia theo những quỹ đạo cụ thể trong sự phát triển kinh tế và chính trị. Nó khám phá cách các yếu tố địa lý và sinh thái ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà nước, phát triển kinh tế và các thể chế. Nó cũng giải quyết những lo ngại xung quanh tác động của biến đổi khí hậu hiện đại.[18] Jared Diamond rất có ảnh hưởng đến sự hồi sinh của thuyết tất định của môi trường do sự nổi tiếng của tác phẩm Súng, vi trùng và thép, đề cập đến nguồn gốc địa lý của sự hình thành nhà nước trước năm 1500.[19]

Các học giả của tân môi trường quyết định luận tranh luận về mức độ môi trường lý sinh định hình các thể chế kinh tế và chính trị. Các nhà sử học kinh tế Stanley EngermanKenneth Sokoloff lập luận rằng nguồn tài nguyên sẵn có (factor endowments) ảnh hưởng lớn đến sự phát triển "thể chế" ở châu Mỹ, nghĩa là xu hướng tự do hơn (dân chủ, thị trường tự do) hoặc không tự do (độc tài, hạn chế kinh tế).

Ngược lại, Daron Acemoglu, Simon JohnsonJames A. Robinson nhấn mạnh rằng các yếu tố địa lý ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển thể chế trong thời kỳ đầu hình thành nhà nước và chủ nghĩa thực dân. Họ cho rằng sự khác biệt về địa lý không thể giải thích trực tiếp sự chênh lệch tăng trưởng kinh tế sau năm 1500, ngoại trừ tác động của chúng lên các thể chế kinh tế và chính trị.[20]

Các nhà kinh tế Jeffrey SachsJohn Luke Gallup đã xem xét các tác động trực tiếp của các yếu tố địa lý và khí hậu đối với phát triển kinh tế, đặc biệt là vai trò của địa lý đối với chi phí thương mại và tiếp cận thị trường, môi trường dịch bệnh và năng suất nông nghiệp.[21]

Cuộc khủng hoảng ấm lên toàn cầu đương thời cũng đã tác động đến quyết định luận về môi trường. Jared Diamond đưa ra những điểm tương đồng giữa điều kiện khí hậu thay đổi khiến văn minh trên Đảo Phục sinh suy vong so với hiện tượng ấm lên toàn cầu hiện đại trong cuốn Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại hay thành công như thế nào.[22] Alan Kolata, Charles Ortloff và Gerald Huag cũng thấy có sự tương đồng với đế quốc Tiwanaku và nền văn minh Maya sụp đổ do các hiện tượng khí hậu như hạn hán.[23][24] Một nhà khoa học tại Đài quan sát Trái đất Lamont – Doherty tại Đại học Columbia, bàn rằng ngày nay xã hội hoàn toàn có thể sụp đổ trước sự biến đổi khí hậu.[25]